Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Thăm lại xứ Thanh


12:35 24 thg 3 2012Công khai256 Lượt xem 81
Đã rất nhiều lần đến Thanh Hoá, (kể cả thời thơ ấu có hơn một năm sống ở đây theo diện K8), Sóng Biển được nghe kể rất nhiều về thành Nhà Hồ, suối Cá Thần… và nhiều danh lam thắng cảnh khác của xứ Thanh, nhưng chưa một lần đặt chân đến, chỉ biết qua phim, ảnh, sách vở mà thôi. Nay có dịp về lại xứ Thanh, Sóng tranh thủ thời gian ghé đến thăm những nơi này cho biết. Thấy mới tin, phải không các bạn...
Thăm Thành Nhà Hồ.


Buổi chiều, sau khi làm việc xong, trên đường từ Yên Định đi Cẩm Thuỷ để ngày mai kịp giờ làm việc buổi sáng, anh em bảo nhau thôi tranh thủ vào xem thành Nhà Hồ một chút, biết đâu tìm được gốc tích cha ông ta. Tất cả cùng đồng thanh nhất trí… Thế là xe trực chỉ Vĩnh Lộc thẳng tiến. Sau 30 phút lắc lư từ Yên Thọ-Yên Định (bởi đường đang nâng cấp sửa chữa bằng nguồn kinh phí của UNESCO), thành Nhà Hồ đã sừng sững hiện diện. Mọi người đều rất ngỡ ngàng trước sự vĩ đại của Thành, được xây dựng bằng sức lao động thủ công của phu dân thời Hồ Quý Ly thế kỷ 14, cách đây hơn 600 năm.

Một vài tư liệu cho biết về thành Nhà Hồ như sau:Thành Tây Đô, thường được gọi là Thành Nhà Hồ, để phân biệt với Đông Đô-Thăng Long- Hà nội) là Kinh Đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ) do Hồ Quý Ly xây dựng, nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. (Sóng nghĩ cũng buồn cười, Hồ Quý Ly , thực ra là Lê Quý Ly, đổi Quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu, không biết ông ấy có Ngu không. Lê Quý Ly sở dĩ đổi sang họ Hồ vì nhận mình có thủy tổ là Hồ Công Mãn, dòng dõi vua Thuấn, đặt sang quốc hiệu Đại Ngu để kế tục Ngu Thuấn. Tuy nhiên, Trần Xuân Sinh cho rằng Hồ Quý Ly đã nhận sai: Dòng dõi vua Thuấn chỉ có chi họ Diêu và họ Quy chứ không có chi nào họ Hồ. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Hồ Công Mãn là thủy tổ họ Trần chứ không phải họ Hồ. ).


Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly cho xây thành để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài. Tuy nhiên triều đình họ Hồ chỉ tồn tại trong vòng 7 năm (1400-1407). Dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Ngày 27 tháng 6 năm 2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau, không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.

Hiện nay hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.


Thăm suối Cá Thần.

Ngày hôm sau, cũng sau khi kết thúc công việc ở Cẩm Thuỷ, anh em bảo nhau đến xem suối cá thần cho biết nó.... Thần đến cỡ nào!!!. Cũng quá đổi ngạc  nhiên khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh về suối cá ở đây.

Theo tư liệu và Sóng tận mắt chứng kiến, chụp ảnh, Suối Cá Thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã cẩm Lương, cách huyện Cẩm Thuỷ 12 km về hướng Tây. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: Cá dốc( thuộc bộ cá chép) cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, mình tựa cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Nước suối mát lạnh, trong vắt, nhìn rõ lớp đá cuội như có ai lát dưới lòng suối. Mỗi khi có ánh nắng chiếu xuống, lớp vây cá long lanh, óng ánh như ngọc.



Hiện giờ đang vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh..


Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt. Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần, ngày ngày sống chung bầu bạn với người, sinh sôi hàng đàn hàng lũ với nhiều thế hệ cá. Sự sung túc của đàn cá đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của người dân, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Sóng nghe kể cách đây vài năm cá Chúa nặng hơn 30kg đã chết. Vào năm đó, vùng này mất mùa, thiên tai dịch bệnh liên tiếp xảy ra cho người và gia cầm, gia súc…

Về sự linh thiêng của suối cá thì người ta chỉ đồn đại nhau mà thôi, không một ai kiểm chứng. Có một huyền thoại kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, nơi bản Ngọc thời khai thiên, lập địa, vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, người dân túng đói vô ngần. Một hôm, có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con đi làm đồng vô tình nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nước, nhưng lạ thay, khi nhấc tay lên người ấy lại thấy quả trứng đang trên tay mình. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến tối con rắn lại về ở với gia đình này. Sau đó họ đã để con rắn ở lại sinh sống với mọi người. Lạ thay, từ đó đồng ruộng của bản đủ nước cày cấy, đồng bào sống trong no ấm, hạnh phúc. Chàng rắn ấy trở thành vị cứu tinh của bản nên được mọi người hết lòng tôn kính. Rồi một hôm định mệnh, trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân bản thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc chàng rắn, dân bản chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong một buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng chàng rắn chết là do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân bản. Sau này chàng rắn được phong thần gọi là: Tứ Phủ Long Vương. Từ đó, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn. Vì thế người dân ở đây mới gọi là Cá Thần.


Ghé biển Sầm Sơn.




Tuy thời gian hơi ít ngày, nhưng trước khi trở về,
Sóng cũng tranh thủ ghé qua bãi biển Sầm Sơn, nơi mà cách đây hơn 12 năm về trước Sóng đã từng một lần đặt chân đến. Lúc đó là vào mùa đông, nên nhìn biển không đẹp lắm, nước đục, sóng lớn, trời giá rét nên chẳng có ai tắm; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư gì, còn xập xệ. 

Nay thì có khác hơn nhiều . Bây giờ là tháng 3, chưa phải là mùa hè nên du khách tắm biển chưa có. Tuy nhiên với biển thì sóng lặng, nước trong và sạch, bãi biển bằng phẳng và tương đối sạch sẽ, dù rằng sương mù hơi bị nhiều kể cả lúc đứng ngọ. Hàng quán, khách sạn nhà nghỉ san sát. Nghe đâu ở Sầm Sơn cả năm 12 tháng thì người ta chỉ làm ăn có 3 tháng (5,6,7) cho suốt cả năm. Hiện tại người ta đang mài dao sẵn đấy. Mọi người hãy cẩn thận nhé.

7 nhận xét:

  1. Nhà đẹp anh Sóng ơiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii

    Trả lờiXóa
  2. Em cũng từ từ còn đẹp gấp mấy lần của anh ấy chứ

    Trả lờiXóa
  3. thăm anh nữa nè!
    nhà anh Sóng rất đẹp và đầy đủ tiện nghi
    chỉ còn chờ phát thiệp mời đi nhà mới thui anh Sóng ui!
    ghé qua giáo đi anh! có bài thơ mới đang chờ anh đó nhe! ;-))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh phát thiệp lâu rùi mà người ta bỏ xó ở đâu đó, nên quên...

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh