Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Thư tình tuổi 90


10:35 26 thg 6 2011Công khai
Sau một tuần căng thẳng vì công việc, hôm nay Chủ Nhật , tự nhủ lòng tạm thời quên đi bao nổi bực dọc. Lang thang trên mạng để giải khuây. Tình cờ bắt gặp một bức thư tình thú vị. Tò mò đọc. Và cũng một phần nào cũng thư giản cho đầu óc thảnh thơi...
Em ạ!
Anh ngồi bấu tay vào thành giường nhìn ra ngoài trời. Hình như mưa. Mắt anh mấy ngày nay thấy nắng loà nhoà lại tưởng mưa, thấy mưa thì nhìn như đang nắng xuống. Thằng chắt nội nói: "mắt cụ nhìn không rõ nữa, cụ đi đâu để cháu dắt". Nó nói thật em nhỉ, nhưng mình cần gì nó dắt, ví thử có em đến ngoài ngõ kia, anh chẳng nhìn thấy rõ mồn một.
Anh vẫn khoẻ. Mỗi ngày các cháu nó cho ăn năm bữa, mỗi bữa một bát cháo đã nát nhừ. Anh chỉ dám viết thư cho em mà không dám gọi điện vì tiếng của anh nói em chỉ có thể nghe như tiếng rừng phi lao xào xạc.
Sáng nào anh cũng đi thể dục, đi từ mép giường ra tới bậc cửa sổ, vị chi là bốn bước. Bốn bước mà đi mất hai giờ, mồ hôi đổ vã ra, sảng khoái ghê.
Nay con cháu đông rồi, anh không phải đánh máy như ngày xửa ngày xưa nữa, các cháu giúp ông. Nhưng khi viết thư cho em, anh phải tự đánh máy lấy. Thư này anh viết từ mùa hè, giữa hè, đến đúng mùa đông thì xong, mỗi ngày anh viết quần quật được hai dòng. Ngày nào viết đến ba dòng thì phải truyền một lọ đạm.
Nhớ cách đây chừng 50 năm em nhỉ, chúng mình chạy ào ào trên bãi biển. Em thì lúc nào cũng hét lên: Thích quá cơ. Còn anh thì chạy theo sau nhìn em, thấy đôi chân em trắng loáng trong ánh chiều hoàng hôn ở bãi biển mà nhớ mãi. Giờ vẫn nhớ đấy. Hôm rồi, nhớ em quá bảo đứa cháu nó đưa ra biển. Đinh nhấc chân bước, định hổn hển nhắc lại lời em nói, thích quá cơ, nhưng suýt nữa người anh đổ chúi xuống vì gió biển thổi.


Nhận được tin em đã hết ốm, đã ăn được mỗi bữa năm thìa cháo bột mà mừng quá. Ăn năm thìa là tốt rồi, ăn nhiều quá không nên em ạ. Anh khoẻ thế này mà chỉ ăn bốn thìa thôi là thấy no căng. Nhớ ngày xửa ngày xưa vẫn thích ăn cơm nguội với nước cá kho. Vừa rồi, tự dưng thèm cơm nguội cá kho, ăn một chút thôi mà miệng anh như ăn phải đá hộc, đau tê tái.
Anh nhắc nhé, nếu ngoài trời có gió là em không được ra ngoài. Hôm qua, mấy đứa cháu bảo ông ơi, ra sân hóng mát, gió nồm mát lắm ông ạ. Theo chân nó vừa ra tới sân, ngọn gió nồm suýt thổi bay anh lên nóc nhà, may có hai thằng cháu giữ chặt.


(ảnh từ Internet)
Sắp tới ngày sinh nhật em nhỉ. Thế là em đã tròn tuổi 80. Hôm đó anh sẽ cố gắng điện thoại. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng xào xào tức là anh nói rằng em đấy hả. Khi nghe tiếng thùm thùm tức là anh đang chúc em sinh nhật vui vẻ. Đến khi nghe tiếng phù phù nhiều lần là anh đang hôn em.

Nhớ hồi ấy, anh đưa hai tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời, em cười rất to. Giờ anh nhìn lại đôi tay mình, hình như tay ai, nhìn rất tội. Hôm qua anh cố nhấc con búp bê bé tý lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc, sợ quá nên thôi.

Em ngủ ngon không?. Anh chợp mắt từ chập tối. đến khoảng 9 giờ là dậy, ngồi, nhìn ra trời đêm. Mấy đứa cháu nói ông ngủ ít quá. Anh bảo, thì đến khi ông ra đi, xuống đất, ông ngủ cả ngày lo gì.


(ảnh từ Internet)
Thỉnh thoảng, anh vẫn mở máy tính, xem lại mấy bài viết trên Blog hồi ấy,. thấy rất vui. Chắc giờ mấy ông, mấy bà Blogger cũng không còn mấy ai nữa, lâu chẳng thấy ai vào blog nữa. Lũ cháu hỏi, ông ơi, Blog là gì, Chúng nó bây giờ chẳng có Blog. Ngồi bô đi ị mà vẫn có màn hình máy tính ở miệng bô, thích thật. Thời buổi giờ hiện đại quá, mình chẳng biết gì. Nhà anh, có cái máy giặt, con cháu nó đi làm, điều khiển từ xa, điều khiển cả robôt. Anh ngồi, rôbốt nó đến, nó cởi áo anh ra, nó gội đầu cho anh, tắm táp, rồi còn mang áo quần đi giặt. Lũ trẻ bây giờ yêu nhau cũng nhờ rôbôt làm hộ. Máy chữ không cần đánh, muốn viết gì, chỉ cần đọc là máy tính tự gõ chữ. Nhưng tiếng anh phì phèo quá nên máy chữ nó đánh sai hết cả. Ai đời anh viết, em ơi, anh nhớ em lắm nhưng vì miệng anh móm mém phì phò nên máy nó nghe không rõ, nó đánh thành: "Phem phơi, phanh phớ phem phắm". Thế mới bực.
Anh không muốn gọi em là bà. Cứ gọi nhau bằng anh, bằng em thế nghe ngọt ngào.

Hai ngày nữa anh tròn 90 tuổi.

Anh đợi thư em.

Mà nếu không gửi được thư thì bảo Rôbôt nó mang thư đến cho anh em nhé.
Anh dừng bút.
Thằng chắt nội đang mang chén cháo bột đến để cho anh ăn.

Chúc em ngủ ngon nhé. Nhớ đừng ra gió.  Hôôn, hôôô, hôôôô em.!!!!!!


(ảnh  từ Internet)
Nguồn : Sưu tầm từ Vnexpress.net

Bổ sung thêm một đoạn từ email do đồng nghiệp gửi

Mỗi ngày, tôi vẫn đến quán Chay gần nhà để ăn trưa. Dù nắng hay mưa, cứ chừng độ khoảng một giờ là tôi nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của người đàn ông khoảng 50 tuổi, điều khiển chiếc xe cúp bốn bánh dành cho người tàn tật. Ông đến quán đón bà xã của mình tan ca về. Vợ ông làm công việc rửa chén bát ở đó. Thấy ông di chuyển khó khăn, nên có lần tôi hỏi sao ông không nhờ con, cháu đi đón cho đỡ bất tiện. Ông bảo: ”xưa giờ đi đâu bả quen có tui đưa đón, bữa nào tui bệnh nhiều mới ráng cho bả đạp xe đi một mình, mà không yên tâm chút nào”. Tôi rơi nước mắt vì xúc động!

Chẳng biết từ bao giờ tôi lại có thói quen thích ngắm nhìn những người già bên nhau, bắt gặp cử chỉ thân mật, thương yêu của họ, trong tôi có nhiều cảm xúc trào dâng đến lạ, chắc là vì tôi nghĩ: thắp cháy ngọn lửa tình yêu đã khó, giữ sao cho nó sáng đến giây phút cuối đời thì lại càng khó hơn.

Ngày ngày, có đôi vợ chồng già dắt tay nhau đi bán vé số, người chồng với đôi mắt mù lòa, ông ôm cây đàn hát nghêu ngao, đi trước là người vợ cầm chiếc loa, tay còn lại thì nắm lấy ông. Tôi nghẹn lòng khi chứng kiến tình cảnh như thế, nhưng cũng mừng thầm vì có thể họ rất nghèo về vật chất, nhưng lại giàu có trong tình yêu!
Hay mỗi tờ mờ sáng, tôi được thấy những cái nắm tay của từng đôi vợ chồng đi tập thể dục, họ mặc quần áo giống nhau và gọi nhau bằng những tiếng "anh, em" nghe rất ngọt ngào dù tuổi đã thất thập cổ lai hy. Họ đã cho tôi hiểu rằng tình yêu thì chẳng bao giờ có tuổi! Thật vậy… Chợt nghĩ đám trẻ chúng tôi thời nay yêu có được như họ không? hay chỉ cả thèm chóng chán? Yêu nhanh và quên cũng vội!

Sáng sớm trong  Thảo cầm viên
Ngày tháng về già của tôi sau này, chẳng biết có được nhiều cái nắm tay như thế không? có những buổi đón đưa như người đàn ông kia đón vợ lúc đi làm về? hoặc khi trái gió trở trời, biết có ai khoác lên người chiếc áo cho đỡ lạnh? ”Có hay ko?” Làm sao mà biết được? Muốn đạt được hạnh phúc và tình yêu như thế, tôi nghĩ cả hai phải trải qua nhiều thử thách, mà không phải ai cũng dễ dàng buớc qua. Thế nên mới có chuyện kẻ ở người đi, chia ly và kết thúc.

Cuộc sống bây giờ đầy những lời gian dối, cả màn kịch mà người này phải diễn cho người kia, có khi chỉ vì ít tài sản vô thường mà ng ta dễ dàng quên hết bao nhiêu ân tình, sớm tối có nhau. Thậm chí, sẵn sàng giết chết người mình chung chăn chung gối với lí do hết sức nhỏ nhen. Nghĩ mà xót xa
...
Nhưng sao tôi vẫn tin rằng nếu giữ được nhiệt huyết say mê yêu thương như thuở ban đầu, biết hy sinh cho nhau… luôn nâng niu những kỉ niệm đẹp và tâm niệm rằng: lúc nào người cũng cần đến ta, còn ta thì không thể sống thiếu người. Có lẽ  khi đó, nước mắt sẽ thôi rơi, đau khổ sẽ không còn nữa. Làm sao lúc tuổi đã về chiều ngoảnh lại chẳng có điều gì làm ta nuối tiếc… tự dưng tôi nhớ lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tràn đầy ý nghĩa.  

"Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".


2 nhận xét:

  1. Bài viết tình cảm ghê anh ạ. Em thấy tuổi trẻ yêu thì chỉ được cái loi nhoi thui, nhưng tuổi già, ngoài cái tình, còn có cái nghĩa nữa. Nên sự quan tâm, chăm sóc nó khác hẳn.
    Bức thư tình ấy có lẽ là không có thật, nhưng hình ảnh cụ già đón vợ mỗi ngày vì " bà ấy quen rồi " làm em thấy cảm động lắm.
    Và anh nói " thắp cháy ngọn lửa tình yêu đã khó, giữ sao cho nó sáng đến giây phút cuối đời thì lại càng khó hơn" thật đúng. Giữ lửa trong nhà - hiểu theo nghĩa này thì thật cần thiết anh hén !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em Tám tình cảm quá , làm anh xúc động vô cùng...
      Bức thư tình là trí tưởng tượng, là niềm mơ ước, là sự an ủi của bao kẻ ... thiếu tình,
      Quan trọng là hiểu, tôn trọng, quý mến nhau... cho đến khi đầu bạc răng long, Tám nhỉ

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh